Trước chiến tranh Mặt trận Balkan (Thế chiến thứ nhất)

Bối cảnh

Balkan thường được coi là "thùng thuốc súng" của châu Âu. Vào thế kỷ 15, bán đảo Balkan bị chiếm và sáp nhập vào Đế quốc Ottoman. Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập nền thống trị trên các dân tộc bản địa trong nhiều thế kỷ. Các cuộc nổi dậy giải phóng dân tộc đã nổ ra trên lãnh thổ châu Âu của Đế quốc Ottoman.[3]

Đến giữa thế kỷ 19, vùng Balkan bắt đầu hình thành các quốc gia độc lập như Serbia, Hy Lạp, RomâniaBulgaria. Sau khi giành được quyền tự chủđộc lập, các nước Balkan non trẻ có kẻ thù chung mới. Đế quốc Áo-Hung, vốn đang tìm cách thiết lập quyền bá chủ ở vùng Balkan, là mối đe dọa đối với các quốc gia non trẻ này. Đế quốc Nga ủng hộ nền độc lập các quốc gia này, và Liên minh Balkan được thành lập để đối trọng với Áo. Liên minh bao gồm Bulgaria, Hy Lạp, Serbia và Montenegro. Tuy nhiên, Liên minh Balkan bắt đầu xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều người Serb, BulgariaHy Lạp cùng sinh sống. Cuối cùng, Liên minh đã tìm cách "trục xuất" được Thổ Nhĩ Kỳ khỏi bán đảo Balkan.[4]

Bản đồ xuất bản năm 1914 cho thấy các vùng lãnh thổ tranh chấp trên Bán đảo Balkan - "thùng bột của châu Âu". Sự phân định biên giới theo Hội nghị Luân Đôn trước chiến tranh (trên) và biên giới cuối cùng sau Chiến tranh Balkan lần thứ hai theo Hòa ước Bucharest (dưới)

Ngoài ra, các nước Balkan muốn mở rộng lãnh thổ khi Đế quốc Ottoman bị suy yếu. Bulgaria thâu tóm toàn bộ phía đông bán đảo Balkan. Serbia muốn tiếp cận biển Adriatic để sáp nhập MacedoniaAlbania. Montenegro cố gắng chiếm các cảng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Adriatic và sanjak Novopazarskiy. Hy Lạp cũng tìm cách mở rộng biên giới.[3]

Những mâu thuẫn này dẫn đến Chiến tranh Balkan lần thứ nhất, trong đó Liên minh Balkan có thắng lợi quyết định trước Đế quốc Ottoman. Tất cả vùng lãnh thổ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ Istanbul và vùng phụ cận, đều bị Liên minh Balkan kiểm soát.[5]

Tuy nhiên lại xảy ra tranh chấp giữa các nước thành viên về những vùng lãnh thổ được giải phóng. Serbia và Bulgaria đồng thời tuyên bố chủ quyền trên Macedonia, Hy Lạp và Bulgaria lần lượt tranh cãi về Thracia, România ra yêu sách lãnh thổ với Bulgaria. Những mâu thuẫn giữa các nước chiến thắng nhanh chóng leo thang thành Chiến tranh Balkan lần thứ hai, trong đó Serbia, Hy Lạp, Montenegro rồi sau đó là România và Đế quốc Ottoman nhanh chóng đánh bại Bulgaria.[3] Kết quả của Chiến tranh Balkan lần thứ hai là Macedonia bị Hy Lạp và Serbia chia cắt, Thổ Nhĩ Kỳ giành lại phần nhỏ lãnh thổ Châu Âu, còn România chiếm được Nam Dobrudja.[6]

Năm 1908 - 1909 xảy ra cuộc khủng hoảng Bosnia. Trong bối cảnh đó, Đế quốc Áo-Hung, vốn đang cố gắng khẳng định bá quyền tại Balkan, với sự hỗ trợ của Đế quốc Đức, đánh chiếm rồi sáp nhập Bosnia và Hercegovina. Serbia cũng tuyên bố chủ quyền với Bosnia để tìm cách tiếp cận biển Adriatic và thâu tóm các vùng có người Serb sinh sống (một số lượng lớn người Serb sống ở Bosnia). Ngoài ra, Beograd e ngại rằng sau Bosnia, Áo-Hung sẽ sáp nhập cả Serbia.[4]

Tuy nhiên, Áo-Hung cố gắng để được quốc tế công nhận việc sáp nhập Bosnia là hợp pháp. Đế quốc Nga bị cô lập giữa Áo và Đức hiếu chiến nên buộc phải công nhận điều này và Serbia cũng vậy. Nỗi phẫn uất vì thất bại ngoại giao tiếp tục âm ỉ trong một thời gian dài ở cả Beograd và Sankt-Peterburg. Serbia không chịu nổi việc sáp nhập này, tổ chức khủng bố Bàn tay đen xuất hiện ở Serbia nhằm mục đích "thống nhất" Bosnia với Serbia.[7]

Đồng thời, Áo-Hung lo sợ mất Vojvodina, Bosnia và các vùng lãnh thổ khác, nơi có nhiều người Serb sinh sống. Ở Serbia, sau hai cuộc chiến tranh Balkan thành công, vị trí của nhóm cấp tiến được củng cố. Các sĩ quan cấp tiến từ tổ chức Bàn tay đen đã thực sự nắm quyền. Serbia ủng hộ các tổ chức bí mật hoạt động ở Áo, gây bất ổn tình hình ở các vùng Slav thuộc Áo. Ngoài ra, vào năm 1913, bất chấp tình hình quốc tế khó khăn, quân Serbia tiến vào lãnh thổ Albania. Trong cuộc khủng hoảng Albania, Serbia rút quân dưới áp lực của cộng đồng quốc tế. Trước những hành động gây hấn này, Áo-Hung muốn lấy cớ tuyên chiến với Serbia.[8]

Vì vậy, nguyên nhân chiến tranh là sự cạnh tranh giữa Serbia và Áo-Hung nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Nam Slav.[4]

Vụ ám sát tại Sarajevo

Serbia không đồng ý với việc Áo sáp nhập Bosnia. Các tổ chức chủ nghĩa dân tộc bí mật bắt đầu xuất hiện ở Serbia với nhiệm vụ giải phóng Bosnia, nơi có đông đảo người Serb sinh sống, khỏi “ách thống trị của Áo”. Trong số các tổ chức này nổi bật nhất là Bàn tay đen. Tổ chức "Mlada Bosna" (Млада Босна - Bosnia trẻ) hoạt động trên lãnh thổ Bosnia cũng đặt nhiệm vụ thống nhất Bosnia với Serbia.[9]

Gavrilo Princip Thái tử Franz Ferdinand

Cuối tháng 6 năm 1914, người thừa kế ngai vàng Áo-Hung, Thái tử Ferdinand cùng với vợ là Sofia đến Sarajevo, thủ phủ Bosnia, để thị sát tập trận và mở một viện bảo tàng. Ferdinand được coi là người ủng hộ chủ thuyết Liên bang Đại Áo - ý tưởng biến chế độ quân chủ kép Áo-Hung thành tam chế Áo-Hung-Slav. Một vương quốc Slav thứ ba sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Serbia.[9] Mlada Bosna đề ra nhiệm vụ ám sát Ferdinand trong chuyến thăm Sarajevo. Có sáu người lên kế hoạch thực hiện vụ ám sát này.

Ngày 28 tháng 6 năm 1914, Franz Ferdinand đến Sarajevo bằng tàu hỏa theo lời mời của Toàn quyền Bosnia Oskar Potiorek. Đoàn xe gồm sáu chiếc rời ga hướng về trung tâm thành phố. Một thành viên đội ám sát Nedelko Chabrinovich ném trượt lựu đạn vào xe thái tử và bị cảnh sát bắt. Âm mưu ám sát dường như đã thất bại. Sau bài phát biểu tại tòa thị chính, Franz Ferdinand bày tỏ mong muốn đến bệnh viện thăm những người bị thương trong vụ ám sát bất thành. Tài xế đi nhầm đường, khi được thông báo đã từ từ quay đầu xe. Đúng lúc ấy, một thành viên đội ám sát khác là Gavrilo Princip phát hiện ra chiếc xe chở thái tử và vương phi,[10] chạy đến và dùng súng lục bắn vào ô tô: phát đầu tiên trúng vương phi, phát tiếp theo trúng Ferdinand. Princip bị đám đông vây bắt và đánh đập dã man (sau này phải cắt cụt tay).

Ngay sau vụ ám sát, Sarajevo nổ ra cuộc thanh trừng người Serb. Tất cả sáu người chủ mưu bị bắt. Trong quá trình thẩm vấn, một thành viên khai rằng chính phủ Serbia cung cấp vũ khí cho vụ ám sát. Điều này đã dẫn đến việc nhà chức trách Áo buộc tội Serbia giúp đỡ và hỗ trợ những kẻ khủng bố.[10]

Khủng hoảng tháng bảy

Quay trở lại năm 1913, Áo-Hung cố gắng tiến hành chiến tranh chống lại Serbia nhằm loại bỏ kẻ thù chính đe dọa sự thống trị của Áo ở Balkan, nhưng lại không đủ lý do để tuyên chiến. Vụ ám sát Thái tử Ferdinand là cơ sở cho Áo thực hiện điều này. Một ngày sau vụ ám sát, Ngoại trưởng Áo Berchtold viết thư cho Thủ tướng Hungary Bá tước Tisza về ý định "dùng tội ác Sarajevo để xử lý Serbia". Hoàng đế Áo Franz Joseph I tranh thủ sự ủng hộ từ đồng minh chính của mình là Đức. Ngày 5 tháng 7, hoàng đế Đức Wilhelm II đảm bảo rằng Berlin sẽ ủng hộ Vienna.[11] Ngày 19 tháng 7, chính phủ Áo cuối cùng đã quyết định chiến tranh với Serbia.

Ngày 23 tháng 7, Áo-Hung đưa ra tối hậu thư 10 điểm yêu cầu Serbia phản hồi trong 48 giờ. Các điểm tối hậu thư hoàn toàn không thực tế và được soạn thảo theo cách Serbia chắc chắn sẽ không đáp ứng như yêu cầu làm nhục quốc thể, từ đó làm bùng phát các hành động thù địch. Đoạn thứ năm tối hậu thư có nội dung: "Cho phép các cơ quan nhà nước Đế quốc Áo-Hung hoạt động trên lãnh thổ của Serbia để trấn áp bất kỳ hoạt động chống Áo nào." Điều này đã vi phạm chủ quyền và Hiến pháp Serbia.

Phía Serbia chấp nhận tối hậu thư (có bảo lưu điểm thứ năm) ngoại trừ điểm thứ sáu, cụ thể là từ chối đại diện của Áo tham gia điều tra vụ ám sát Sarajevo. Việc khước từ một điểm được Áo coi như bác bỏ toàn bộ tối hậu thư. Đại sứ Áo-Hung rời Beograd đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao. Đế quốc Nga thực hiện một số nỗ lực thuyết phục Áo đàm phán dựa trên phản ứng của Serbia. Anh, PhápÝ đề nghị Vienna đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị tứ cường. Nhưng Áo thẳng thừng từ chối. Hoàng thân nhiếp chính Serbia Aleksandar I kêu gọi Hoàng đế Nga Nikolai II ủng hộ và nhận được đảm bảo Nga sẽ không để Serbia gặp khó khăn.[12]

Sau khi bác bỏ các đề nghị hoà bình, ngày 28 tháng 7 năm 1914, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia.[lower-alpha 6] Ngày 29 tháng 7, Nikolai II ra lệnh tổng động viên ở Nga. Đức yêu cầu Đế quốc Nga ngừng chuẩn bị quân sự. Ngày 30 tháng 7, trong nỗ lực cuối giữ hòa bình, Nikolai II hủy bỏ tổng động viên nhưng Áo-Hung vẫn kiên quyết bác bỏ đề nghị đàm phán. Ngày 31 tháng 7, Franz Joseph I ký sắc lệnh tổng động viên ở Áo-Hung.

Đức tuyên chiến với Nga ngày 1 tháng 8 năm 1914, với Pháp ngày 3 tháng 8. Ngày 4 tháng 8, Đế quốc Anh tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Balkan (Thế chiến thứ nhất) http://www.everyculture.com/multi/Pa-Sp/Serbian-Am... http://amac.hrvati-amac.com/index.php?option=com_c... http://www.imdb.com/title/tt0172776/ http://www.imdb.com/title/tt0200782/ http://www.imdb.com/title/tt0906083/ http://www.imdb.com/title/tt0933016/ http://www.imdb.com/title/tt1272006/ http://www.kroraina.com/knigi/zbf_ww1/zbf_6a.html http://necrometrics.com/20c5m.htm#WW1 http://hrcak.srce.hr/index.php?show=clanak&id_clan...